Cách bảo quản sữa hạt đúng cách
Sữa hạt là một loại sữa rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nhiều người chưa biết cách bảo quản sữa hạt đúng cách khiến sữa nhanh hỏng và mất đi giá trị dinh dưỡng. Hãy tìm hiểu xem sữa hạt bảo quản được bao lâu và nên bảo quản như thế nào trong bài viết dưới đây nhé!
Sữa hạt hay còn gọi là sữa thực vật là tên gọi chung cho thức uống được nấu từ các loại hạt nhiều chất dinh dưỡng như: yến mạch, hạt điều, óc chó, hạnh nhân, macca,… Là loại thức uống có từ nhiều thế kỷ trước ở phương Tây. Tuy nhiên, những năm gần đây, sữa hạt mới trở nên phổ biến ở Việt Nam và được nhiều người yêu thích.
Với nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và hàm lượng chất dinh dưỡng giàu có trong các loại hạt, sữa hạt đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như: tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa ung thư, bảo vệ sức khỏe tim mạch, chống lão hóa,…
Xem thêm: Top 20+ cách làm các loại sữa hạt tốt cho sức khỏe
Cách bảo quản sữa hạt đúng cách
Sữa hạt để được bao lâu?
Đối với các loại sữa hạt được sản xuất theo dây chuyền nhà máy, đóng hộp ở các siêu thị thì thường có hạn sử dụng từ 3-6 tháng. Với loại sữa hạt này, bạn nên chú ý hạn sử dụng trên thân hộp và sử dụng ngay sau khi mở nắp.
Tuy nhiên, với sự ra đời của máy làm sữa hạt, để thuận tiện và giữ an toàn vệ sinh, nhiều chị em đã tự làm sữa hạt tại nhà. Vậy sữa hạt tự làm để được bao lâu? Đối với sữa hạt tự làm, nếu bảo quản ở nhiệt độ thường thì sẽ rất nhanh hỏng. Ví dụ, bạn nấu sữa hạt vào buổi sáng và để ở ngoài mà quên không cho vào tủ lạnh thì đến khoảng 3h chiều là nó đã bị hỏng.
Sữa hạt nên được để trong môi trường có nhiệt độ từ 3-5 độ C. Đây là mức nhiệt độ lý tưởng nhất để bảo quản sữa hạt. Nếu bạn bảo quản sữa hạt trong ngăn mát tủ lạnh đúng cách thì có thể để được 3-4 ngày.
Một số lưu ý để bảo quản sữa hạt được lâu
Để có thể kéo dài thời gian, giữ cho sữa hạt lâu hỏng hơn. Bạn cần lưu ý và bảo quản theo cách sau:
- Tốt nhất nên uống sữa hạt trong ngày để có thể tận dụng nhiều nhất giá trị dinh dưỡng có trong sữa.
- Nếu không thể uống trong ngày thì không nên cho đường vào nấu cùng, mà để khi nào uống thì mới pha thêm đường. Như vậy sẽ bảo quản được lâu hơn.
- Các loại hạt nhiều chất béo như: hạt điều, macca, hạnh nhân, óc chó,… nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Với các loại hạt khác như: đậu đen, đậu đỏ, đậu phộng, gạo lứt,… thì cần được phơi khô vào bảo quản kín để tránh mối mọt, ẩm mốc.
- Dụng cụ nấu sữa và đựng sữa cần được vệ sinh sạch sẽ. (Nên dùng đồ có chất liệu là thủy tinh để bảo quản sữa hạt)
- Sữa hạt sau khi nấu xong, nên để nguội, tránh đậy kín vì sẽ khiến sữa bị bí hơi, nhanh hỏng.
- Không nên cho sữa vào tủ lạnh ngay khi nấu xong, nên để sữa nguội hẳn rồi mới cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản. Nếu bạn bận rộn, không thể chờ lâu thì có thể dùng một cái thau, đổ nước vào rồi để chai đựng sữa vừa nấu vào thau. Như vậy sữa sẽ nhanh nguội hơn nhiều đó. (Lưu ý không để nước tràn vào chai nha)
- Với các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, óc chó thì sữa nên uống trong 1-2 ngày, không nên để lâu hơn. Đối với các loại sữa hạt khác, có thể để 3-4 ngày trong môi trường có nhiệt độ 3-5 độ C. (Đối với sữa hạt không đường)
- Đậy nắp kín rồi để sữa vào sâu trong ngăn mát, không nên để ở cánh tủ lạnh vì khi mở ra mở vào sẽ làm nhiệt độ không được đảm bảo khiến sữa nhanh hỏng.
- Sữa có thể hâm lại để uống. Tuy nhiên, không nên hâm lại nhiều quá, uống bao nhiêu hâm bấy nhiêu. Vì sữa sau khi hâm nếu để lại vào tủ lạnh sẽ bị hỏng.
- Không nên sử dụng sữa hạt đã quá thời gian bảo quản. Điều này sẽ gây hại cho sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc vì lúc này sữa hạt rất dễ lên men và chứa độc tố.
Xem thêm: Cách xử lý bã tối ưu nhất sau khi làm món sữa hạt
Sữa hạt tự làm sẽ thơm ngon và giữ được giá trị dinh dưỡng hơn nhiều. Với hướng dẫn cách bảo quản sữa hạt đúng cách ở trên, bạn có thể yên tâm thỏa sức chế biến nhiều loại sữa nhạt thơm ngon cho gia đình mình rồi!